Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Cách sử dụng nạng, gậy, khung tập đi thế nào cho đúng

Khi bạn bị gãy xương ở chân hoặc bàn chân, vừa trải qua một cuộc phẫu thuật ở chi dưới, hoặc bị một cơn đột quỵ… bạn thường phải sử dụng nạng, gậy chống, hoặc một khung tập đi để trợ đỡ..
Ban đầu, tất cả mọi thứ bạn làm có vẻ khó khăn. Tuy nhiên, với một số mẹo và ý chí tập luyện, bạn sẽ đạt được sự tự tin và có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả, an toàn.
Hướng dẫn chung
  • Dẹp bỏ tất cả những thứ như thảm trượt, dây điện, bình nước, và bất cứ thứ gì cản đường, có thể làm bạn ngã.
  • Trong phòng tắm, cần thiết phải sử dụng thảm chống trượt, lắp thêm các thanh vịn, nâng cao bồn vệ sinh.
  • Đơn giản hóa vị trí sắp xếp những vật dụng cần thiết trong nhà để tiện sử dụng, những thứ không cần thiết nên dẹp bỏ.
  • Sử dụng một ba lô, hoặc túi đeo bên hông, hoặc vali nhỏ để giúp bạn mang theo những những vật dụng thiết yếu.
Nạng
Nếu bất kỳ một phẫu thuật nào mà sau mổ bạn chưa được phép tỳ chân khi di chuyển thì nên sử dụng nạng.
Vị trí và chiều dài thích hợp của nạng: phần trên cùng của nạng (đầu nạng) phải cách hõm nách khoảng 3-4cm khi bạn đứng thẳng
Tay cầm của nạng ngang với khớp háng để khi cầm, khuỷu hơi gấp.
Giữ chặt đầu nạng vào thân mình, chỉ dùng tay đỡ trọng lượng cơ thể chứ không dùng nách.
Cách sử dụng nạng, gậy chống, khung tập đi
Bước:
Chuẩn bị bước đi, nghiêng người về phía trước một chút và đặt nạng lên phía trước chân của bạn. Bắt đầu bước bằng nạng như thể bạn đang đi bằng chân đau, nhưng thay vì dồn trọng lượng lên chân đau thì bạn dồn trọng lượng vào nạng. Cơ thể bạn di chuyển nhịp nhàng giữa hai nạng. Kết thúc bước đi bình thường bằng chân lành. Khi chân lành tiếp đất, bạn di chuyển hai nạng về phía trước để chuẩn bị cho bước đi tiếp theo. Hãy tập trung vào nơi bạn đang đi bộ, chứ không phải trên đôi chân của bạn.
Ngồi:
Đảm bảo rằng, chiếc ghế ngồi vào phải vững chắc. Di chuyển chân đau của bạn về phía trước, một tay giữ hai nạng, tay kia vịn ghế và kiểm tra độ chắc chắn của ghế. Khi cảm thấy ghế vững vàng, từ từ hạ thấp thân mình xuống ghế, hai nạng để cùng nhau vào một vị trí thuận tiện (ngang tầm với). Để đứng lên, dịch người ra phía trước một chút, cầm lấy hai nạng, cùng nạng hỗ trợ để đẩy mình lên và đứng lên bằng chân lành.
Lên xuống cầu thang:
Để lên, xuống cầu thang với nạng, bạn cần phải là người có sức khỏe và có khả năng linh hoạt. Đứng trước cầu thang, một tay giữ lan can, một tay kẹp hai nạng vào giữa nách. Khi đi lên, nhấc từng bước ngắn bằng chân lành, chân đau nâng lên cao, đưa ra sau Khi đi xuống, bạn nâng chân đau lên về phía trước, và nhảy xuống từng bậc bằng chân lành. Bạn có thể yêu cầu một người nào đó trợ giúp, ít nhất là lúc đầu tiên. Nếu bạn phải đối mặt với một cầu thang không có tay vịn, sử dụng nạng với cả hai tay và nhảy lên hoặc xuống từng bước bằng chân lành, phải sử dụng nhiều sức lực hơn. Một cách dễ dàng hơn là ngồi trên bậc cầu thang và dịch chuyển thân mình lên hoặc xuống từng bậc. Bắt đầu bằng cách ngồi trên bậc cầu thang thấp nhất, đưa chân đau ra phía trước. tay bên chân lành giữ hai nạng nằm phẳng so với cầu thang. Dịch mông lên hoặc xuống với sự hỗ trợ của hai tay và chân lành.
Gậy
Nếu bạn có một vấn đề nhỏ nào đó gây nên sự mất thăng bằng cơ thể, đi đứng không vững, một tổn thương gây đau ở chân, bàn chân, hay người già…thì sử dụng một cây gậy sẽ mang lại nhiều hữu ích, giúp bạn sống độc lập hơn.
Cách sử dụng nạng, gậy chống, khung tập đi
Chiều dài gậy:
Cây gậy có độ dài hợp lý khi: ở tư thể đứng thẳng, đầu trên của gậy ngang nếp gấp cổ tay. Khuỷu tay gấp nhẹ khi bạn cầm vào đầu trên của gậy. Tay cầm gậy sẽ là tay đối diện bên chân cần hỗ trợ.
Bước:
Khi bạn bước, chân đau và gậy cùng di chuyển và cùng tiếp đất. Để bắt đầu, đưa gậy ra trước khoảng gần một bước tiến và bước lên bằng chân đau. Kết thúc bước đi bằng chân lành.
Lên xuống cầu thang:
Khi bước lên cầu thang, một tay cầm tay vịn cầu thang (nếu có), tay kia cầm gậy (tay đối bên với chân đau), chân lành bước lên trước, chân đau bước sau. Khi xuống cầu thang, thứ tự đi chuyển đầu tiên là gậy, tiếp theo là chân đau và cuối cùng là chân lành. Vật hỗ trợ là gậy và cầu thang.
Khung tập đi
Nếu bạn vừa được mổ thay khớp háng hoặc thay khớp gối, hay có bất kỳ một vấn đề nào đó tương đối nghiêm trọng về đôi chân, bạn đều có thể sử dụng khung tập đi trợ giúp. Khung tập đi đảm bảo an toàn hơn gậy hay nạng. Bằng sự trợ giúp của đôi cánh tay, khung tập đi cho phép nâng một phần trọng lượng của cơ thể khi bạn bước đi. Phần cao nhất của khung (đoạn tay cầm) thường ngang bằng với nếp gấp cổ tay khi bạn đứng thẳng người. Không được vội vàng khi bắt đầu bước đi với khung. Khi sức khỏe và sức chịu đựng của bạn trở nên tốt hơn, dần dần có thể tỳ trọng lượng nhiều hơn lên đôi chân của bạn
Cách sử dụng nạng, gậy chống, khung tập đi
Bước:
Đầu tiên, đặt khung lên phía trước, cách bạn một bước đi và đảm bảo các chân của khung đều được tiếp đất. Dùng hai tay nắm lấy khung, lấy khung làm điểm tựa, từ từ bước chân để di chuyển người vào khung. Khi bước, đầu tiên gót chân chạm đất trước, sau đó cả bàn chân và cuối cùng là các ngón chân, nâng đầu ngón chân lên. Đi từng bước nhỏ, chậm rãi.
Ngồi:
Để ngồi, đầu tiên dịch chuyển người ra sau, đến khi chân chạm ghế thì mới từ từ ngồi xuống. Khi đứng lên, tay cầm lấy khung, dùng chân lành và lực đôi tay đẩy người lên. Đảm bảo rằng, phần cao su bọc trên tay cầm của khung phải nguyên vẹn, chắc chắn.
Cầu thang:
Không bao giờ sử dụng cầu thang bộ hoặc cầu thang cuốn khi đi bằng khung tập đi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét