1. Định nghĩa.
Viêm cột sống dính khớp là một bệnh viêm khớp diễn biến mạn tính, cuối cùng dẫn đến dính, biến dạng ở cột sống và các khớp.
Bệnh có nhiều tên gọi: Viêm cột sống gốc chi, Viêm cùng chậu cột sống gốc chi, Viêm cột sống dạng thấp, Viêm cột sống cốt hóa, Bệnh Bechterew-Marie-Strumpell. Ngày nay người ta hay dùng thuật ngữ Viêm cột sống dính khớp là tên của bệnh.
2. Đặc điểm dịch tễ:
Bệnh hay gặp ở nam giới (chiếm tới 90-95%), tuổi mắc bệnh thường trẻ, tuổi dưới 30 chiếm 80%. Bệnh có tính gia đình khoảng 3-10%. ở nước ta, bệnh rất hay gặp, đứng hàng thứ 2 trong các bệnh khớp, chỉ sau bệnh viêm khớp dạng thấp (chiếm 20% tổng số bệnh nhân khớp và chiếm 1,5% dân số ở tuổi trưởng thành).
3. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh.
Trước đây người ta coi bệnh viêm cột sống dính khớp là một thể đặc biệt của viêm khớp dạng thấp, hiện nay viêm cột sống dính khớp là một bệnh riêng biệt, về mặt cơ chế bệnh sinh và nguyên nhân có thể liên quan đến một số yếu tố sau:
- Về tác nhân gây bệnh có thể do một trong số các loại: Yersinia, Chlamydia, Klebsiela, lậu, Salmonella, Shigella... Những tác nhân này chỉ đóng vai trò là yếu tố kích thích ban đầu.
- Yếu tố cơ địa: giới tính và nhất là yếu tố kháng nguyên HLA B27 mà theo giả thiết gần đây người ta coi là yếu tố tiền đề của bệnh.
- Các yếu tố khác: Yếu tố chấn thương, điều kiện vệ sinh kém, các bệnh nhiễm khuẩn... có thể đóng vai trò nhất định đến sự xuất hiện của bệnh.
4. Lâm sàng:
- Khởi phát: Đau âm ỉ vùng thắt lưng, đau khớp cùng chậu, đau dây thần kinh hông to giống các bệnh đau lưng khác, do đó phần lớn bệnh không được phát hiện kịp thời ở giai đoạn này.
- Toàn phát:
+ Biểu hiện ở cột sống: đau và hạn chế vận động xuất hiện sớm nhất ở hầu hết các bệnh nhân viêm cột sống dính khớp, giai đoạn muộn các đốt sống dính vào nhau dẫn đến cứng khớp. Khám thấy tất cả các động tác của cột sống đều bị hạn chế (cúi, ngửa, nghiêng), nghiệm pháp Schửeber dưới 3cm. Khối cơ chung cạnh cột sống teo nhanh làm cho cột sống như nhô hẳn lên. Kèm theo đau khớp cùng chậu.
+ Biểu hiện ở các khớp ở chi và gốc chi: đau các khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân.
+ Những biểu hiện toàn thân: gày sút cân rất nhanh, mệt mỏi, sốt nhẹ, đôi khi sốt cao nhất là ở giai đoạn toàn phát.
5. Cận lâm sàng:
- Kháng nguyên phù hợp tổ chức HLA B27: HLA B27 (+) với tỷ lệ cao (chiếm 75-95% số ca bệnh, trong khi tỷ lệ này trong nhân dân chỉ khoảng 4-12%) và là xét nghiệm có giá trị chẩn đoán cao.
- X quang: Biểu hiện viêm khớp cùng chậu là yếu tố để chẩn đoán sớm. Ở giai đoạn muộn thấy hình ảnh cầu xương, dính các đốt sống.
6. Tiến triển và biến chứng.
Bệnh tiến triển một cách từ từ và ngày càng nặng dần lên theo từng đợt, dẫn đến dính và cứng khớp: cứng và dính cột sống gây gù vẹo, dính khớp háng. Xờu nhất là dính khớp hán và khớp gối ở tư thế gấp làm cho bệnh nhân phải bò. Khi đã dính khớp thì triệu chứng đau giảm đi và hết.
Trong quá trình tiến triển bệnh nhân có thể bị các biến chứng như suy hô hấp, tâm phế mạn, liệt hai chân do chèn ép tủy và rễ thần kinh.
Tiên lượng xấu ở những bệnh nhân trẻ tuổi, viêm khớp ngoại biên, sốt và gày sút nhiều. Tiên lượng tốt hơn ở những bệnh nhân mắc bệnh sau tuổi 30, thể cột sống là chủ yếu.
7. Phục hồi chức năng:
Mục đích của PHCN là duy trì tư thế chức năng tốt cho người bệnh, điều này được thực hiện sớm, trước khi các khớp bị biến dạng.
7.1. Giai đoạn cấp:
- Người bệnh nằm nghỉ trên giường có đệm không lún, không kê gối dưới đầu, thánh nằm võng.
- Dùng thuốc chống viêm, có thể kết hợp quang tuyến liệu pháp hàng ngày trong 1 tháng giúp chống viêm và tập vận động sớm.
- Tập thở sâu, nhất là thở ngực.
7.2. Giai đoạn bán cấp và mãn tính:
- Đặc điểm BN VCSDK thường có xu hướng còng lưng, sau đó biến dạng gù cố định do cứng khớp, bởi vậy khi cột sống chưa dính, mục đích chính là duy trì tư thế tự nhiên của cột sống, chống cứng khớp, teo cơ.
- Tập vận động có trợ giúp bằng giàn theo hay tập vận động dưới nước.
- Vận động cột sống cổ, ngực, thắt lưng.
- Tập thở sâu.
- Tập luyện tư thế và dáng đi.
7.3. Chương trình tập tại nhà:
- Tập luyện tư thế tốt: đầu, thân mình và chân thẳng hàng, mắt nhìn thẳng, ưỡn ngực, vai đưa ra sau, bụng thót lại.
- Dùng đệm không lún và không dùng gối.
- Tập thở sâu ngày 2-3 lần, chú trọng thở lồng ngực, kết hợp thở bụng.
Cần khuyến khích bệnh nhân tập luyện mỗi ngày, theo dõi chiều cao và vòng ngực, tái khám định kỳ. Nếu giảm chiều cao và lồng ngực là do tập luyện không tốt hoặc chương trình tập không hiệu quả, cần xem xét lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét