1. Đại cương thoái hoá khớp
Thoái hoá khớp không phải là tình trạng bệnh đơn độc được định nghĩa rõ ràng, nhưng được mô tả rõ nhất ở thoái hóa khớp giai đoạn cuối, dù do bất kỳ nguyên nhân nào đều biểu hiện các triệu chứng lâm sàng và hình ảnh X – quang như nhau đó là đau khớp, giảm khả năng vận động khớp và hẹp khe khớp. Việc định nghĩa thoái hoá khớp phụ thuộc vào tiêu chuẩn chẩn đoán được sử dụng và có sự thay đổi giữa các lĩnh vực khác nhau như chỉnh hình, thấp khớp học, X – quang, bệnh học và dịch tễ học.
Cơ chế bệnh sinh của thoái hoá khớp chưa rõ ràng, thoái hoá khớp có thể được định nghĩa là giai đoạn cuối của thoái hóa chức năng sụn khớp. Thuật ngữ “Osteoarthritis” cho thấy thoái hoá khớp có thể phát sinh ở khớp bình thường chịu lực tải quá mức, hoặc ở khớp yếu chịu lực tải ở bình thường. Yếu tố khởi phát ở đây cũng đồng thời là yếu tố làm bệnh tiến triển.
Bề mặt khớp được phủ bằng lớp sụn khớp dày khoảng vài milimet. Sụn khớp tiếp nhận, phân bố trọng lượng tác động trên khớp và làm giảm ma sát khi chuyển động. Các bề mặt khớp được bôi trơn bằng lớp mỏng chất hoạt dịch có nồng độ acid hyaluronic cao. Chất nền sụn có thể được ví như chất kết dính gồm các sợi chịu lực và hấp thu nước. Khi khớp chịu tải, nước bị ép ra khỏi mô và được tái hấp thu khi lực tác dụng giảm tải. Sụn khớp là mô biệt hóa cao, trong đó quá trình phân hủy và tái tạo chất nền sụn xảy ra liên tục. Thông thường, sụn duy trì trạng thái cân bằng, khi khớp phải tăng tải quá mức hoặc giảm tải quá thấp sẽ dẫn đến thay đổi cân bằng chuyển hóa chất, gây nên mất cân đối giữa quá trình phân hủy và tái tạo sụn, dẫn đến thoái hoá khớp. Các tế bào sụn cố gắng tự sửa chữa nhưng không thể tái tạo chất nền có đủ chức năng chống va đập sẽ mất.
2. Diễn biến của thoái hoá khớp
Thoái hoá khớp thường tiến triển chậm. Trong các trường hợp xác định được yếu tố khởi phát, bệnh có thể tiến triển 10 – 30 năm mới có biểu hiện hình ảnh chẩn đoán điển hình thoái hoá khớp trên X – quang. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, khi theo dõi tiến triển của thoái hoá khớp bằng X – quang, bệnh không phải luôn luôn tiến triển tăng lên, mà khoảng 50% trường hợp, các thay đổi nhỏ vẫn không tiến triển trong nhiều năm. Nghiên cứu tại Anh cho thấy chỉ số ít các bệnh nhân thoái hoá khớp cần được can thiệp phẫu thuật.
Hiện nay, thoái hoá khớp giai đoạn cuối được điều trị thành công bằng phẫu thuật thay khớp nhân tạo (bề mặt khớp được thay thế bằng kim loại hoặc nhựa), có tác dụng làm ổn định khớp, giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân trong nhiều năm. Các hiệu quả này được ghi nhận phổ biến ở bệnh nhân trẻ tuổi. Phẫu thuật thay khớp thích hợp nhất cho các bệnh nhân cao tuổi có mức độ hoạt động thể lực thấp, hoặc có mong muốn được thích ứng với mức độ hoạt động mới. Bệnh nhân thay khớp nên tránh các hoạt động gây quá tải khớp, nhưng cần thiết tập luyện các hoạt động như đạp xe và đi bộ với gậy ( Nordic walking).
3. Phục hồi chức năng:
3.1. Mục đích chung:
- Giảm đau.
- Duy trì tầm vận động khớp.
- Duy trì lực cơ.
- Ngăn ngừa biến dạng khớp.
3.2. Nguyên tắc chung:
- Giai đoạn đau cấp: cần bất động khớp đau.
- Giai đoạn bán cấp và mãn tính: giảm đau bằng nhiệt, điện; tập vận động khớp, tập lực cơ,
- Chương trình tập tại nhà.
3.3. PHCN một số khớp:
3.3.1. Thoái hóa cột sống cổ:
- Giai đoạn cấp tính: bệnh nhân nằm nghỉ tại gường, đầu kê trên một cái gối mỏng, nếu sau vài ngày nằm nghỉ mà không bớt đau có thể kéo giãn cột sống cổ tư thế nằm.
- Giai đoạn bán cấp và mãn tính: điều trị giảm đau, giãn cơ bằng các phương pháp nhiệt (hồng ngoại, paraphin, túi chườm...); kéo giãn cột sống cổ với lực khoảng 1/5 trọng lượng cơ thể trong 20 phút mõi ngày. Tập gồng cơ cổ, dùng nẹp cổ nếu còn đau.
- Tập tại nhà: tập cử động cột sống cổ chống lại lực đề kháng bằng chính tay bệnh nhân.
3.3.2. Thoái hóa cột sống thắt lưng:
- Giai đoạn cấp tính: nằm nghỉ tại giường có đệm cứng 5-7 ngày, giảm đau giãn cơ bằng thuốc hoặc nhiệt trị liệu.
- Giai đoạn bán cấp và mãn tính: tiếp tục điều trị bằng vật lý (nhiệt, điện, xoa bóp, kéo giãn cột sống, tác động cột sống...); tập tăng lực cơ bụng, cơ lưng để giữ vững cột sống, mang nẹp cột sống trong thời gian đau.
- Tập tại nhà: HD bệnh nhân các tư thế cần tránh trong sinh hoạt, đặc biệt là động tác cúi, tuyệt đối không cúi bê vật nặng (động tác đúng: chùng gối, bê vật vào sát thân rồi đứng lên), không ngồi lâu, đứng lâu; nên tập các môn làm giãn lưng như xà, bơi...
3.3.3. Thoái hóa khớp gối, khớp háng:
- Giai đoạn cấp tính: cần nghỉ ngơi tại giường trong tư thế tốt, duy trì tầm vận động khớp hàng ngày, tập gồn cơ tứ đầu đùi.
- Giai đoạn bán cấp và mãn tính: giảm đau bằng nhiệt nông và sâu, vận động chủ động co trợ giúp tăng dần, đặc biệt là cơ tứ đầu đùi, kéo giãn cơ co cứng, tập di chuyển với nạng hoặc gậy.
- Chương trình tại nhà: duy trì tầm vận động khớp và lực cơ bằng các môn ít gây tải trọng cho khớp như đạp xe, bơi... tránh những hoạt động gây tải trọng nhiều cho khớp như: đi bộ, chạy bộ, đứng lâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét