1. Tác dụng của tập luyện phục hồi chức năng
Khi được hỏi về lợi ích của các liệu pháp điều trị thoái hoá khớp khác nhau, các chuyên gia châu Âu đặt tập luyện phục hồi chức năng lên hàng đầu, trên cả phẫu thuật khớp, thuốc giảm đau và giáo dục kiến thức về bệnh cho bệnh nhân. Điều cần thiết là bệnh nhân phải nhận ra được nền tảng để điều trị thoái hoá khớp chính là hoạt động tập luyện phục hồi chức năng, các hoạt động này có thể được thực hiện ngay từ đầu hoặc theo yêu cầu, kết hợp với các biện pháp giảm đau. Lối sống hoạt động thể lực thường xuyên không chỉ có tác dụng giảm đau, tăng cường chức năng khớp, mà còn giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân lớn tuổi bị thoái hoá khớp.
Đạp xe là phương pháp tập phù hợp nhất đối với người thoái hoá khớp
Một số nghiên cứu đã chứng minh tập luyện phục hồi chức năng có tác động tích cực trên cả giảm đau và cải thiện chức năng vận động của bệnh nhân thoái hoá khớp gối so với bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng thuốc sau 6-8 tuần. Đây cũng là điều rất đáng quan tâm trong bối cảnh nguy cơ tác dụng không mong muốn của các thuốc giảm đau chống viêm là đáng kể.
Tập luyện phục hồi chức năng là biện pháp điều trị hiệu quả đối với thoái hoá khớp thông qua một số cơ chế. Các hoạt động cơ làm giảm đau thông qua các cơ chế tương tác tương tự như châm cứu. Đó là làm tăng nồng độ endophin trong não làm giảm cảm giác đau. Tăng sức mạnh của cơ và cải thiện chức năng thần kinh cơ giúp tăng sự ổn định xung quanh khớp và giúp giảm tải lên khớp. Nghiên cứu cho thấy 4 tháng tập luyện phục hồi chức năng không chỉ cải thiện sức mạnh cơ, mà còn cải thiện chất lượng của sụn khớp gối. Tập luyện thường xuyên còn giúp giảm cân từ đó giúp giảm trọng tải lên khớp.
Tuy nhiên quá trình tập luyện rất dễ bị thất bại. Bệnh nhân thường khó duy trì việc tự tập luyện khi triệu chứng đau đã giảm mặc dù đã được bác sĩ phục hồi chức năng hướng dẫn. Để đạt được hiệu quả, tập luyện phục hồi chức năng và hoạt động thể lực phải được thực hiện thường xuyên.
2. Phương pháp tập luyện phục hồi chức năng
Thoái hoá khớp là một bệnh mạn tính. Việc tập luyện phục hồi chức năng phải được đưa vào cuộc sống hàng ngày và quan trọng nhất là lựa chọn hình thức tập phù hợp cho từng bệnh nhân. Để tạo thuận lợi cho việc tập luyện, bệnh nhân nên được đánh giá ban đầu và ở từng giai đoạn, nhằm điều chỉnh chương trình tập luyện cho phù hợp và nhằm tối ưu hóa lực tải đè ép lên các khớp bị ảnh hưởng. Điều đó có thể đạt được thông qua các bài tập tăng sức cơ, làm tăng sức ép lên các yếu tố thần kinh cơ, mà ít gây tải trọng lên khớp. Khi bắt đầu tập luyện bệnh nhân sẽ có cảm giác tình trạng đau tăng lên. Tuy nhiên, tình trạng đau sẽ giảm dần sau khi tập và sẽ không tăng theo thời gian. Trong giai đoạn này, bệnh nhân cũng có thể được áp dụng các biện pháp giảm đau tạm thời như điện phân, sóng ngắn, hồng ngoại, paraphin, châm cứu... Một hình thức tập luyện đã được chứng mình tính hiệu quả và dễ được áp dụng là đạp xe, khi đó các cơ được vận động tối đa mà rất ít gây tải trọng lên các khớp.
Yếu tố nguy cơ quan trọng đối với thoái hoá khớp là chấn thương. Do chấn thương khớp thường xảy ra trong khi hoạt động thể lực, vì vậy tốt nhất nên xem xét các hoạt động thể lực nào là phù hợp. Chấn thương thường xảy ra trong bóng đá và các môn thể thao khác như cầu lông, tennis, bóng bàn..., do đó bệnh nhân thoái hoá khớp nên tránh tập luyện các môn thể thao này.
Bệnh nhân thoái hoá khớp toàn bộ hoặc đau cơ xơ có phản ứng mạnh đối với tập luyện, cần được chỉ định cường độ rất thấp trong thời gian dài và hiệu quả thường không bằng thoái hoá khớp ở các khớp riêng lẻ. Các chỉ định cho bệnh nhân thoái hoá khớp trong bài không thích hợp cho các nhóm bệnh này.
3. Các hình thức tập luyện phục hồi chức năng phù hợp
3.1. Đi bộ
- Ưu điểm: An toàn cho hầu hết bệnh nhân, dễ thực hiện, không tốn chi phí. Cải thiện sức khỏe, giảm đau và chống trầm cảm.
- Hạn chế: không phù hợp với thoái hoá khớp nặng ở các vị trí hông, gối và mắt cá chân.
- Khuyến cáo: Sử dụng giày nhẹ có tác dụng hỗ trợ và hấp thụ va chạm tốt. Đi bộ trên mặt đất bằng phẳng. Nếu có thể, tránh đi bộ trên mặt đường lát. Chọn bề mặt mềm hơn và đi chậm.
3.2. Đi bộ với gậy
- Ưu điểm: Giống như đi bộ không gậy. Phương pháp này giúp giảm tải trên khớp háng, đầu gối và khớp mắt cá chân. Phương pháp này cũng giúp cải thiện nhanh hơn so với đi bộ không có gậy. Cũng có hiệu quả cho các bệnh lý ở cổ và lưng.
- Hạn chế: Kinh nghiệm lâm sàng cho thấy kết quả tốt, nhưng chưa đủ bằng chứng khoa học trên bệnh nhân thoái hoá khớp.
- Khuyến cáo: Sử dụng giày nhẹ có tác dụng hỗ trợ và hấp thụ va chạm tốt. Đi bộ trên mặt đất bằng phẳng. Nếu có thể tránh đi bộ trên đường lát. Chọn bề mặt mềm hơn. Sử dụng gậy nhịp nhàng. Đi bộ giống như trượt tuyết (chân phải – tay trái, chân trái – tay phải). Lựa chọn độ dài gậy thích hợp để hãm tốt và chuyển động theo kiểu con lắc một cách thoải mái, giúp không làm đau vai. Gậy nên cao hơn 1m trên khuỷu tay khi đúng thẳng với cánh tay xuôi dọc theo cơ thể. Chọn gậy có thể điều chỉnh được độ dài.
3.3. Chạy bộ
- Ưu điểm: Chưa đủ bằng chứng khoa học trên bệnh nhân thoái hoá khớp.
- Hạn chế: có thể gây chấn thương do quá tải tại khớp. Các thay đổi về tình trạng cơ học như trong thoái hoá khớp sẽ dẫn đến tăng nguy cơ chấn thương và tạo lực tải cao cho khớp hông, khớp gối và khớp cổ chân.
- Khuyến cáo: Cần phải khởi động trước khi chạy. Chạy trên bề mặt phẳng. Nếu có thể, tránh chạy trên mặt đường lát. Chọn bề mặt mềm hơn. Sử dụng giày có tác dụng hỗ trợ và hấp thụ va chạm tốt. Không gia tăng khoảng cách hoặc cường độ tập hơn 5% mỗi tuần.
3.4. Máy chạy bộ
- Ưu điểm: Dễ sử dụng, bề mặt nhẵn mịn. Tránh được xuống dốc, có thể điều chỉnh độ dốc.
- Hạn chế: Đòi hỏi giữ cân bằng tốt khi bề mặt chuyển động. Trên một số máy ngay cả điều chỉnh tới tốc độ chậm nhất vẫn còn là quá nhanh cho bệnh nhân.
- Khuyến cáo: nên chọn máy chạy bộ có bề mặt mịn, đủ độ dài và độ rộng, có tay vịn dọc theo hai bên.
3.5. Chạy dưới nước
- Ưu điểm: Giống như khi chạy trên mặt đất nhưng không có tải trọng lên khớp hông, khớp gối và bàn chân.
- Hạn chế: Phải có hồ bơi đủ sâu. Nhịp tim và lượng oxy tiêu thụ thấp hơn 15 -20% so với tập trên máy chạy bộ. Chưa đủ bằng chứng khoa học trên bệnh nhân thoái hoá khớp.
- Khuyến cáo: Sử dụng các kỹ thuật thích hợp, nên ở vị trí đứng thẳng hơn là nằm. Sử dụng áo phao phù hợp. Xác định cường độ (bước/phút) trong lúc tập.
3.6. Bơi lội và các môn thể thao dưới nước
- Ưu điểm: Dễ dàng thực hiện các chuyển động dưới nước. Rất ít áp lực lên các khớp.
- Hạn chế: Cần hồ bơi hoặc môn thể thao dưới nước phù hợp. Chưa đủ bằng chứng khoa học trên bệnh nhân thoái hoá khớp.
- Khuyến cáo: nên chọn chương trình tập luyện đặc biệt cho bệnh nhân thoái hoá khớp. Cần đủ độ sâu cho các hoạt động dưới nước.
3.7. Khiêu vũ
- Ưu điểm: Các nghiên cứu cho thấy khiêu vũ có tác dụng cải thiện sức khỏe và tăng khả năng vận động cũng như giảm đau, giảm bệnh và chống trầm cảm.
- Hạn chế: Có thể gây tải trọng lớn cho khớp. Nguy cơ chấn thương cao. Không phù hợp với thoái hoá khớp nặng ở các vị trí hông, gối và mắt cá chân.
- Khuyến cáo: Sử dụng giày nhẹ có tác dụng hỗ trợ và hấp thụ va chạm tốt. Khiêu vũ trên sàn gỗ, hoặc sàn dành riêng cho khiêu vũ. Cần có ghế dùng để nghỉ ngơi hoặc giảm tải trong khi tập luyện.
3.8. Đạp xe ngoài trời hoặc đạp xe tại chỗ
- Ưu điểm: là hình thức tập luyện hiệu quả giúp kích thích các nhóm cơ lớn ở chân với mức độ tải trên khớp thấp. Các dữ liệu cho thấy đây là hình thức tập luyện phù hợp và giúp tăng sức mạnh cơ bắp đồng thời giảm bệnh tật.
- Hạn chế: Đòi hỏi vận động đầu gối ở 900. Đạp xe ngoài trời đòi hỏi khả năng giữ thăng bằng tốt.
- Khuyến cáo: Vị trí của yên xe và tay lái rất quan trọng. Yên xe nên được điều chỉnh sao cho khi duỗi gối hết mức, gối gập 1 góc từ 0 – 150. Nên gắn thêm đồng hồ theo dõi tốc độ. Nên chọn xe có yên ngồi thoải mái, đồng thời có thể dễ dàng điều chỉnh yên xe và tay lái.
3.9. Leo cầu thang/ máy tập nâng bước.
- Ưu điểm: Hoạt động chức năng, tương tự như đi bộ lên cầu thang. Nhiều tài liệu cho thấy bệnh nhân trẻ có tổn thương khớp gối tập với máy tập nâng bước cũng có hiệu quả tốt.
- Hạn chế: Có thể làm tăng tải trọng đáng kể trên các khớp. Có thể tê mũi chân tạm thời. Hiện chưa có đầy đủ dữ liệu đối với hình thức tập luyện này trên bệnh nhân thoái hoá khớp.
- Khuyến cáo: Sử dụng mô hình với bậc thang/ cầu thang có tay vịn. Đổi chân liên tục.
4. Lượng giá tập luyện
Trong các nghiên cứu điều trị thoái hoá khớp, hiệu quả thường được lượng giá bằng các bảng câu hỏi nhằm đánh giá cảm nhận của bệnh nhân về các triệu chứng đau, cứng khớp và các triệu chứng khác, cũng như tình trạng giảm khả năng vận động. Trong một số trường hợp, ảnh hưởng của đau và tàn tật đối với chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cũng được xem xét. Ở bệnh nhân trẻ, hoặc bệnh nhân bị thoái hoá khớp khởi phát sớm, cần đánh giá sự cải thiện chất lượng cuộc sống và các hoạt động thể lực hàng ngày (như ngồi xổm, quỳ, nhảy và chạy), hơn là đánh giá mức độ đau và khả năng vận động. Bảng câu hỏi được thiết kế cho mục đích này có thể được tải từ mạng Internet (www.koos.nu).
Việc kiểm tra sức mạnh và thể hình cơ có thể được sử dụng để khuyến khích bệnh nhân tập luyện là các dữ liệu khách quan để đánh giá kết quả tập luyện. Các nghiệm pháp đánh giá sức mạnh cơ tứ đầu đùi cũng có thể được bác sỹ sử dụng. Ví dụ về nghiệm pháp trong thực hành là “nghiệm pháp nâng bước”, trong đó bệnh nhân được yêu cầu nâng từng chân một lên với khả năng tối đa có thể. Hộp nâng bước có kệ có thể tháo rời và được đặt ở bảy độ cao khác nhau. Có thể sử dụng ghế và các dụng cụ với nhiều độ cao khác nhau để thay thế cho hộp nâng bước. Tuy nhiên, cần đảm bảo độ an toàn để tránh nguy cơ té ngã! Do độ cao của nâng bước chân không chỉ tùy thuộc vào chiều cao và cân nặng của mỗi bệnh nhân mà còn dựa trên độ linh động của khớp hông, gối và khớp bàn chân. Do đó, rất khó so sánh mức độ thực hiện giữa các bệnh nhân và giữa hai bên trái - phải của cùng một bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân cần tự điều chỉnh cho riêng mình. Khả năng bước tốt khi bệnh nhân có thể bước lên bậc cao tương ứng với góc gập gối ban đầu là 90 độ. Nghiệm pháp này có thể thực hiện được ở bệnh nhân 80 - 85 tuổi.
Đối với bệnh nhân trẻ hơn, có thể dùng các nghiệm pháp phức tạp hơn. Thường được sử dụng nhảy xa trên một chân để đánh giá chức năng của bệnh nhân có vấn đề ở khớp gối. Độ xa của bước nhảy phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả sức mạnh của bệnh nhân, độ vững của khớp và khả năng giữ thăng bằng tại gối. Nghiệm pháp này được xem là phương pháp đánh giá đáng tin cậy. Khi so sánh giữa kết quả bình thường và nhóm cần kiểm tra, nghiệm pháp này cần được thực hiện theo cách thức tiêu chuẩn, trong khi đó, các yếu tố như vị trí cánh tay và các yêu cầu tiếp đất an toàn có sự khác biệt lớn ở mỗi khoảng cách nhảy của mỗi bệnh nhân. Khi lượng giá bằng các nghiệm pháp kiểm tra chức năng, một yêu cầu chung là: Sự khác biệt giữa hai bên nhiều nhất là khoảng 10 – 15%.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét