Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người do tai biến mạch máu não

1. Nguyên tắc chung
Tập vận động ở vị thế nằm là các bài tập cần được thực hiện sớm nhất cùng với kĩ thuật vị thế, hầu hết những bài tập ở vị thế nằm cũng sẽ là bài tập ở vị thế ngồi và đứng sau này. Tập vận động ở vị thế nằm có thể là tập vận động thụ động, tập vận động có trợ giúp hoặc tập vận động chủ động tùy theo mức độ phục hồi và tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.
Chỉ có vận động chủ động bệnh nhân mới có thể phục hồi, do đó khi bệnh nhân có thể tự thực hiện được một phần vận động nào đó người tập cần lưu ý chuyển đổi ngay phương pháp tập cho phù hợp, không tập thụ động khi bệnh nhân đã tự họ thực hiện được các động tác của vận động.
Trong phần hướng dẫn này chúng tôi giới thiệu những bài tập theo tầm vận động cơ bản theo các mẫu vận động bình thường bằng phương pháp tập có trợ giúp hoặc chủ động. Tùy theo tình trạng thực tế và mức độ phục hồi của bệnh nhân mà người tập lựa chọn và sử dụng các bài tập phù hợp, cụ thể bao gồm cả chương trình tập tại nhà sau khi ra viện.
2. Vị trí của hai bàn tay và các ngón tay khi tập vận động
- Khi tập vận động chung hoặc tập tay liệt có sự hỗ trợ của tay lành, người tập hướng dẫn bệnh nhân cài các ngón tay hai bên vào nhau, tốt nhất là ngón tay cái bên liệt luôn ở bên ngoài ngón tay cái bên lành.
2
 
- Hoặc bệnh nhân dùng bàn tay bên lành nắm giữ cổ tay bên liệt, ngón tay cái ở phía trước, các ngón khác ở phía sau, giữ cho khớp cổ tay bên liệt ở vị thế trung gian như trong hình vẽ.
3. Kĩ thuật ức chế co cứng
Trước khi thực hiện bất kì bài tập vận động gì và ở tư thế nào, nếu người bệnh có co cứng thì việc đầu tiên của người tập là phải làm giảm co cứng bằng cách sử dụng các kĩ thuật vị thế, kĩ thuật phá vỡ mẫu co cứng và hoặc kĩ thuật ức chế co cứng.
Nguyên tắc chung của kĩ thuật vị thế là đặt hoặc hướng dẫn bệnh nhân nằm, ngồi… ở các vị thế đúng theo mẫu phục hồi. Kĩ thuật phá vỡ mẫu co cứng hoặc ức chế co cứng là người tập thực hiện kĩ thuật vận động ngược lại với mẫu co cứng của bệnh nhân và giữ phần chi thể ở vị trí đó trong một khoảng thời gian nhất định.
Người tập có thể hướng dẫn bệnh nhân hoặc người nhà để tự họ sử dụng một số kĩ thuật vị thế đặc biệt, hoặc kĩ thuật đơn giản để làm giảm co cứng và ức chế co cứng trước khi thực hiện các bài tập vận động ở các vị thế khác nhau. Một số ví dụ về kĩ thuật ức chế co cứng cụ thể:
- Ức chế co cứng toàn thân: bệnh nhân nằm ngửa, hai gối gấp, người tập hướng dẫn bệnh nhân ngả hai gối về phía bên lành đến mức tối đa và giữ nguyên vị trí như vậy trong một vài phút rồi trở về vị trí ban đầu.
 
 
- Hoặc bệnh nhân nằm ngửa, hai chân gấp, hai tay cài các ngón vào nhau vòng qua gối, kéo hai gối về phía ngực, đồng thời nâng đầu, vai và thân mình phía trên lên khỏi mặt giường, giữ như vậy vài phút rồi trở lại vị trí ban đầu.
 
- Ức chế co cứng ở tay: người tập thực hiện động tác vận động ngược lại với mẫu co cứng ở cẳng tay, cổ tay và các ngón tay của bệnh nhân. Cụ thể là làm xoay ngửa cẳng tay, làm gấp khớp cổ tay về phía mu, làm duỗi, dạng ngón tay cái và các ngón khác.
 
3
4. Tập lăn từ nằm ngửa sang nằm nghiêng về phía bên liệt 
Tập lăn trở để thay đổi tư thế khi nằm là bài tập vận động sớm nhất đối với bệnh nhân liệt nửa người do tai biến mạch máu não trong chương trình phục hồi chức năng.
- Người tập đứng về phía bên liệt, hướng dẫn bệnh nhân nằm ngửa; nâng đầu, chân và tay lành lên, đưa sang phía bên liệt và lăn người sang theo. Người tập giúp bệnh nhân dạng khớp vai, xoay khớp háng bên liệt ra ngoài khi chân và tay lành đưa sang.
- Bệnh nhân có thể tự tập bằng cách nâng đầu, chân và tay lành lên. Sau đó quay đầu, đưa chân, tay lành sang phía bên liệt và lăn người sang theo, đồng thời xoay chân liệt ra ngoài khi chân và tay lành đưa sang.
F Tập lăn từ vị thế nằm nghiêng phía bên liệt về nằm ngửa làm ngược lại với vận động trên.
5. Tập lăn từ nằm ngửa sang nằm nghiêng về phía bên lành
- Bệnh nhân nằm ngửa, hai chân gấp, lòng bàn chân sát trên mặt giường, hai tay cài các ngón vào nhau, duỗi thẳng ra trước. Người tập đứng về phía bên không liệt của bệnh nhân giúp hoặc hướng dẫn bệnh nhân giữ hai tay duỗi thẳng, hai chân gấp.
- Hướng dẫn hoặc giúp bệnh nhân nâng đầu, vai và thân mình phía trên lên khỏi mặt giường rồi quay mặt sang phía bên lành,dùng tay lành đưa tay liệt và xoay phần thân mình phía trên về phía bên lành.
- Đồng thời bệnh nhân nghiêng hai chân về phía bên lành và cùng xoay phần thân mình còn lại sang theo. Sau đó kê đỡ bệnh nhân ở vị thế nằm nghiêng về phía bên lành theo mẫu phục hồi như đã mô tả ở trên.
F Tập lăn từ vị thế nằm nghiêng bên lành sang nằm ngửa làm ngược lại với vận động trên.
6. Tập vận động vai tay bên liệt có sự trợ giúp của tay lành
Nguyên tắc của phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân liệt nửa người là khuyến khích bệnh nhân tập vận động đồng thời cả phía bên lành và phía bên liệt, bệnh nhân tự tập là chính, người tập chỉ trợ giúp một phần hoặc toàn bộ động tác khi bệnh nhân không tự họ làm được.
Tập vận động vai tay bên liệt có sự hỗ trợ của tay lành là một trong các bài tập vận động sớm nhất cần được thực hiện cùng với kĩ thuật vị thế để phòng ngừa các thương tật thứ cấp, các biến chứng và di chứng rất hay gặp của khớp vai đặc biệt là đau vai, và hội chứng vai tay.
Bài tập vận động này đồng thời cũng là những bước tạo thuận quan trọng cho quá trình phục hồi chức năng của vai tay và toàn thân sau này.
- Để ức chế co cứng gấp của đai vai và tay, người tập hướng dẫn bệnh nhân nằm sấp trên giường hoặc trên đệm, hai tay duỗi thẳng dọc theo thân mình, lòng bàn tay hướng lên trên, sau đó tập duỗi khớp vai nâng hai tay lên khỏi mặt giường càng cao càng tốt.
- Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc trên đệm tập, hai chân gấp, duỗi hoặc bắt chéo nhau. Người tập hướng dẫn bệnh nhân cài các ngón tay hai bên vào nhau, duỗi thẳng hai tay ra trước, đưa lên phía đầu càng nhiều càng tốt cho đến khi hai bàn tay sát trên mặt giường.
 
Giữ hai tay ở vị trí đó trong vài chục giây rồi đưa trở lại vị trí xuất phát ban đầu, sau đó tập lại như trước. Lưu ý bệnh nhân luôn giữ khớp khuỷu và cổ tay hai bên duỗi trong khi tập.
7. Tập vận động khớp vai bên liệt ra trước
- Bệnh nhân nằm ngửa ở tư thế thoải mái, hai chân gấp, người tập đứng về phía bên liệt, một tay đỡ vai, tay kia nắm giữ và đỡ khuỷu tay bệnh nhân ở tư thế duỗi. Sau đó, nhẹ nhàng tập vận động khớp vai bên liệt của bệnh nhân ra phía trước và lên phía trên.
- Có thể hướng dẫn bệnh nhân nằm nghiêng về bên lành, người tập đứng bên cạnh hơi chếch lên phía đầu, một tay đỡ khớp vai bên liệt, tay kia đỡ cho khuỷu tay duỗi. Sau đó, tập vận động khớp vai bên liệt lên trên, ra trước, ngược lại với mẫu co cứng.
- Hoặc bệnh nhân nằm nghiêng về bên lành, hai chân gấp. Người tập giúp hoặc hướng dẫn bệnh nhân duỗi thẳng tay liệt, áp sát lòng bàn tay vào lòng bàn tay của mình, gấp khớp cổ tay về phía mu, rồi đẩy vào bàn tay người tập để đưa vai và tay liệt ra trước.
8. Tập kiểm soát vận động tay liệt 
- Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, người tập đứng về phía bên liệt của bệnh nhân, giúp hoặc hướng dẫn bệnh nhân duỗi thẳng tay liệt ra trước; đồng thời làm duỗi, dạng ngón tay cái và các ngón tay khác đến mức tối đa.
 
- Sau đó giúp hoặc hướng dẫn bệnh nhân gấp khớp vai, đưa tay liệt lên phía trên đầu đến các vị trí khác nhau theo yêu cầu của người tập, rồi trở lại vị trí khởi đầu và làm lại như cũ. Lưu ý bệnh nhân luôn giữ khớp khuỷu tay bên liệt duỗi trong khi tập.
 
- Bệnh nhân nằm ngửa, người tập giúp bệnh nhân duỗi thẳng tay liệt ra trước vuông góc với thân mình, sau đó yêu cầu bệnh nhân gấp khuỷu tay lại, đặt lòng bàn tay liệt lên vai bên lành, hoặc lên trán, rồi duỗi tay liệt trở về vị trí ban đầu và tập lại.
- Người tập hướng dẫn bệnh nhân dùng bàn tay bên lành nắm giữ bàn tay bên liệt rồi duỗi thẳng hai tay ra phía trước. Sau đó, yêu cầu bệnh nhân thả tay lành ra, tự giữ tay liệt duỗi thẳng ở vị trí nói trên rồi tập gấp tay liệt, đặt lòng bàn tay lên vai bên lành hoặc lên trán như đã nói ở trên.
- Bệnh nhân nằm ngửa trên giường, hai tay dạng ngang vai, người tập hướng dẫn bệnh nhân đưa hai tay duỗi thẳng về phía trước. Sau đó, đưa hai tay lên phía đầu, rồi xuống phía chân. Giữ hai bàn tay ở một khoảng cách nhất định, không sát nhau.
- Bệnh nhân nằm ngửa, hai chân gấp, lòng bàn chân hai bên sát mặt giường, hai tay duỗi thẳng ra trước. Người tập hướng dẫn bệnh nhân vận động luân phiên hai tay lên phía đầu và xuống phía chân như trong hình vẽ.
- Bệnh nhân nằm ngửa, hai chân gấp, người tập hướng dẫn bệnh nhân duỗi thẳng hai tay ra phía trước. Sau đó luân phiên tập gấp một tay trước ngực, tay kia duỗi thẳng, rồi tiếp tục làm ngược lại như vậy đối với tay kia như trong hình vẽ.
- Hoặc hướng dẫn bệnh nhân tự tập vận động bằng cách nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, tay duỗi dọc theo thân mình. Sau đó, gấp khớp khuỷu tay bên liệt vuông góc, rồi lần lượt tập quay sấp, và xoay ngửa cẳng tay.
- Cũng có thể hướng dẫn bệnh nhân tự tập bằng cách nằm ngửa như trên, duỗi thẳng hai tay dọc theo thân mình trên mặt giường. Sau đó, tập gấp khớp vai, nâng tay liệt lên khỏi mặt giường, đưa tay liệt lên phía đầu đến các vị trí khác nhau như trong hình vẽ.
- Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc trên bàn tập. Người tập hướng dẫn bệnh nhân gấp khớp khuỷu tay bên liệt vuông góc với mặt giường. Sau đó, tập gấp khớp cổ tay lần lượt về phía lòng bàn tay sau đó về phía mu bàn tay nhiều lần như trong hình vẽ.
 
- Bệnh nhân nằm ngửa như trên, khớp khuỷu tay bên liệt gấp vuông góc với mặt giường. Người tập hướng dẫn bệnh nhân gấp khớp cổ tay về phía mu đến mức tối đa. Sau đó, hỗ trợ bệnh nhân tập gấp khớp bàn ngón của các ngón tay
9. Tập dồn trọng lượng lên chân liệt
- Bệnh nhân nằm ngửa, chân bên lành duỗi, chân bên liệt gấp, lòng bàn chân sát trên mặt giường. Người tập đứng về phía bên liệt hoặc phía bên lành, đỡ khớp gối và khớp háng bên liệt của bệnh nhân để chân không đổ hoặc xoay khi vận động.
- Yêu cầu bệnh nhân nâng hông và thân mình phía bên liệt lên khỏi mặt giường để dồn trọng lượng lên chân liệt.
Người tập giúp bệnh nhân duỗi khớp háng bên liệt và giữ khớp gối bên liệt cố định ở tư thế gấp, lòng bàn chân vẫn sát trên mặt giường.

1 nhận xét:

  1. Chương Trình Đổi Máy Siêu Âm Điều Trị
    Chúng ta đang bước vào thời đại mới-thời đại của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Tiến bộ vượt bậc của khoa học đã và đang mang lại cho con người những tiện ích vô cùng lớn lao. Trong số đó, y tế và sức khoẻ con người luôn là lĩnh vực được quan tâm hàng đầu. Công ty TNHH một thành viên Chí AnhThànhTâm được thành lập với mong muốn là chiếc cầu nối giữa những công nghệ hiện đại nhất kết tinh trong những sản phẩm y tế và thẩm mỹ công nghệ cao với đông đảo đối tác, được khách hàng quan tâm trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
    Là nhà phân phối thiết bị Vật lý trị liệu của các dòng sản phẩm phổ thông và cao cấp của các hãng nổi tiếng. Và là đại lý độc quyền các hãng Laser Y học và thẩm mỹ tại Việt Nam, nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp, phân phối các thiết bị vật lý trị liệu laser y học và chất lượng cao của chính hãng.
    Thêm vào đó, Công ty TNHH một thành viên Chí Anh ThànhTâm còn có giải pháp cung cấp trang thiết bị trọn gói cho các khoa VLTL, Da liễu, Thẩm mỹ của bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa, với chi phí hợp lý nhất, hiệu quả điều trị cao nhất

    Xin thông báo cùng quý khách hàng hiện tại cty Chí Anh Thành Tâm đang có chương trình đổi máy siêu âm điều trị cũ,hư hỏng để được sở hữu thiết bị siêu âm mới với giá ưu đãi
    THIẾT BỊ SIÊU ÂM ĐA TẦN - 2 ĐẦU PHÁT (thiết được đổi):
    Model : SONIC Vital XTColoR
    Hãng sản xuất: Schwa-Medico
    Nơi sản xuất: Đức
    ( mong quý khách tham khảo thêm qua số điện thoại của Lã Văn Mạnh là : 0977.033189 phòng kinh doanh)
    Cảm ơn quý khách đã quan tâm.
    http://www.chianhthanhtam.com/vi/san-pham-thiet-bi-Sieu-am-da-tan---hai-dau-phat-79.html

    Trả lờiXóa