Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Phân tích dáng đi

(ĐTĐ) - Những mô tả sau đây về động học và động lực học trong mặt phẳng đứng dọc là dựa vào những dữ liệu thu thập được ở Phòng thí nghiệm Dáng đi Bệnh viện Phục hồi chức năng Spaulding (H.3) và tương tự với động lực học và động học được báo cáo ở những nơi khác.


Những mẫu chung trong động tác là tiêu biểu của người lớn và trẻ em không khuyết tật trên 3 tuổi (5) Hình 1 minh họa những hoạt động chủ yếu xuất hiện ở mỗi thì với mỗi hình đại diện cho các vị thế của chân và khớp, đường phản lực mặt đất và các cơ hoạt động trong các thì đó.

1. Thì chạm đất

Thì chạm đất điển hình xảy ra là gót chạm. Hông gập 30 độ, gối hầu như duỗi hoàn toàn, cổ chân ở vị trí trung tính. Khi phản lực mặt đất ở phía trước khớp hông, cơ duỗi hông (cơ mông lớn và cơ hamstring) đang kích hoạt để duy trì sự ổn định khớp hông. Tại gối, phản lực mặt đất tạo một mô men ngoại lực duỗi vốn được trung hòa bằng hoạt động của cơ hamstring. Bàn chân được củng cố trong vị thế trung tính bằng các cơ gập mặt lưng cổ chân.

2. Thì chuyển trọng lượng

Trong thì này, sự đón nhận trọng lượng và hấp thụ sốc đạt được khi duy trì sự tiến lên phía trước. Hông duỗi và tiếp tục duỗi ở cuối thì đứng.
Phản lực mặt đất ở phía trước hông và các cơ duỗi hông phải hoạt động để kháng lại việc gập hông không kiểm soát này. Sự duỗi hông chủ động ngụ ý rằng các cơ duỗi hông co chủ động hướng tâm. Với vị trí của phản lực mặt đất giờ đây nằm sau khớp gối, thì một mô men ngoại lực gập gối được tạo ra. Mô men ngoại lực này bị sự co cơ ly tâm của cơ tứ đầu kháng lại cho phép gối gập khoảng 20 độ. Với phản lực mặt đất phía sau cổ chân, thì mô men ngoại lực làm gập mặt lòng bàn chân xuất hiện khiến bàn chân nhanh chóng hạ thấp xuống còn 10 độ gập mặt lòng. Hoạt động này được các cơ gập mặt lưng cổ chân kiểm soát, là các cơ vốn kích hoạt ly tâm. Ở cuối thì chuyển trọng lượng, bàn chân tiếp xúc hoàn toàn với mặt đất.

3. Giữa thì chống

Trong suốt giữa thì chống, chân chống đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể trong khi chân đối bên đu ra trước. Vec tơ phản lực mặt đất đi qua khớp hông, xóa bỏ nhu cầu hoạt động duỗi khớp hông. Tại gối, phản lực mặt đất chuyển từ vị trí phía sau ra vị trí phía trước, tương tự như thế cũng xóa bỏ nhu cầu hoạt động cơ tứ đầu đùi. Sự duỗi gối xảy ra và được kiềm lại thụ động bởi bao dây chằng sau của gối, và cũng có thể bị kềm lại chủ động bởi hoạt động ly tâm của cơ khoeo và cơ sinh đôi. Tại cổ chân, phản lực mặt đất ở phía trước cổ chân, vì thế sinh ra một mô men ngoại lực gập mặt lưng cổ chân. Mô men này bị trung hòa bởi các cơ gập mặt lòng cổ chân, là các cơ co ly tâm hạn chế sự gập mặt lưng xảy ra trong suốt thì này.

4. Cuối thì chống

Ở cuối thì chống, khối cơ thể tiếp tục tiến ra trước trên chân chống trong khi thân đổ ra trước. Phản lực mặt đất tại khớp hông giờ đây nằm ở phía sau, tạo ra một mô men lực duỗi thụ động ngược lại bởi các dây chằng chậu đùi. Hông duỗi tối đa. Tại gối, phản lực mặt đất di chuyển từ trước ra sau. Khi nhấc gót khỏi mặt đất, phản lực mặt đất di chuyển nhiều hơn ra trước khớp cổ chân, kích hoạt một mô men ngoại lực làm gập mặt lưng cổ chân mô men này được hoạt động của các cơ gập mặt lòng cổ chân cân bằng. Trong suốt thì này, cổ chân đang gập mặt lòng, và do đó hoạt động của các cơ gập mặt lòng cổ chân chuyển từ co ly tâm sang hướng tâm.
Dang Di

5. Tiền thì đu

Trong suốt tiền thì đu, chân đu bắt đầu đẩy tới để đu. Thì này xảy ra khi chân đối bên tiến từ thì gót chạm đất đến thì chuyển trọng lượng. Khi đã duỗi tối đa, khớp hông bắt đầu gập do hoạt động kết hợp của cơ thắt lưng chậu, cơ áp hông và thẳng đùi, lúc này co hướng tâm. Gối nhanh chóng gập đến 40 độ khi phản lực mặt đất nhanh chóng di chuyển ra sau gối. Việc gập gối có thể được kiểm soát bằng hoạt động của cơ thẳng đầu đùi. Cổ chân gập mặt lòng khoảng 20 độ do sự tiếp tục co cơ hướng tâm của các cơ gập mặt lòng cổ chân.

6. Đầu thì đu

Trong suốt đầu thì đu, chân đu bị đẩy ra trước. Gập hông xảy ra do đà gập hông đã kích hoạt từ tiền thì đu và do sự tiếp tục co cơ hướng tâm của các cơ gập hông. Cơ thẳng đầu đùi và cơ rộng ngoài hoạt động độc lập trong suốt đầu thì đu, với hoạt động cơ thẳng đùi trực tiếp liên quan đến tốc độ đi (6). Cơ thẳng đùi hoạt động trong cả thì chuyển trọng lượng lẫn tiền và đầu thì đu, dù ở tốc độ đi nào, với tính biến thiên nhiều trong mẫu hoạt động của cơ. Một số người tham gia thể hiện nhiều hoạt động hơn ở nửa sau giai đoạn đứng, trong khi những người khác có độ lớn điện cơ đồ cao hơn ở nửa đầu giai đoạn đứng (7). Gối tiếp tục gập khoảng 65 độ. Gối gập xuất hiện thụ động do kết quả kết hợp của gập hông và đà của tiền thì đu. Cơ gập mặt lưng cổ chân co hướng tâm gập cổ chân vào mặt lưng để tạo sự nhấc mũi chân.

7. Giữa thì đu

Ở giữa thì đu chân đu tiếp tục tiến tới trước, chủ yếu là thụ động như con lắc, từ lực quán tính được kích hoạt ở tiền và đầu thì đu. Đà được kích hoạt ở đầu thì đu làm gập hông thụ động. Gối bắt đầu duỗi thụ động do trọng lực. Cổ chân vẫn ở vị thế trung tính với các cơ gập mặt lưng tiếp tục hoạt động.

8. Cuối thì đu

Ở cuối thì đu, đà đã được kích hoạt trước đó được kiểm soát để tạo sự thẳng trục ổn định cho chân ở thì chạm đất. Ở khớp hông và khớp gối, sự co cơ ly tâm của cơ hamstrings giảm tốc độ gập hông và kiểm soát duỗi gối. Các cơ gập mặt lưng cổ chân tiếp tục hoạt động cho phép cổ chân ở vị thế trung tính khi chạm đất.
Nguồn: Gait Disorders – Evaluation and Managenment ấn bản lần 2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét